Dựng móng là một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình xây dựng một ngôi nhà. Nó có vai trò rất lớn quyết định đến cấu trúc và sự bền vững của công trình về sau.
Bởi vậy, đội tính toán phải cân nhắc rất kỹ và quy trình làm móng nhà cần có sự giám sát của đội ngũ chuyên nghiệp. Đảm bảo chất lượng sử dụng cũng như sự an toàn cho công trình.
Mấu chốt chính của vấn đề dựng móng là phải chọn được loại móng phù hợp với địa chất của công trình.
Tính toán cụ thể và có bản vẽ phác thảo trước,như vậy thì khi làm sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều.
Để công trình chạy đúng tiến độ và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây sẽ bao gồm thông tin về những quy trình làm móng nhà, các loại móng và lưu ý về cách xây móng nhà mà bạn nên nắm rõ để móng đạt chất lượng cao.
Chi phí làm móng nhà hết bao nhiêu?
Câu hỏi về chi phí cũng là một trong những thắc mắc của chủ đầu tư đặt ra trước khi bắt tay vào xây dựng. Thường thì giá dựng móng sẽ được báo riêng, không tính chung với nhà. Bởi móng là phần quan trọng của công trình và cũng có nhiều cách xây dựng khác nhau, tùy vào một số yếu tố như loại công trình, chất lượng đất nền,…
Vậy nên chi phí cho móng nhà thường chiếm khoảng bao nhiêu % là tùy thuộc vào tùy loại công trình. Sẽ không có một mức giá chung nào áp dụng cho tất cả các loại công trình.
Tuy nhiên cũng có cách tính chi phí, giúp bạn đo lường được và dự trù kinh phí xây dựng ở mức tương đối nhất.
Yếu tố ảnh hưởng đến chi phí
Tổng diện tích móng nhà: diện tích xây móng thường dao động từ 30-50% diện tích mặt sàn tầng 1. Tuy nhiên đối với công trình có thiết kế tầng hầm thì diện tích móng sẽ được tính bằng 200% diện tích sàn xây dựng.
Đơn giá xây dựng: đây cũng là một yếu tố chi phối ảnh hưởng đến chi phí xây dựng móng nhà của bạn. Bạn cần phải kiểm tra kĩ đơn giá xây dựng bao gồm cả nhân công và vật tư cho 1m2 móng nền là bao nhiêu.
Khu vực, chất lượng đất: chi phí xây dựng cũng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của đất nơi bạn dựng công trình. Đối với nơi có chất lượng đất tốt, vững thì đa số chủ thầu sẽ chọn làm móng đơn, sẽ không mất thêm khoản chi nào. Hoặc nếu để đảm bảo hơn thì sẽ chọn móng băng, chi phí cho móng băng được tính bằng 30% diện tích sàn thô. Tuy nhiên, khu vực đất nền yếu thì sẽ phức tạp hơn. Đất yếu sẽ có nhiều nguy cơ sụt lún, kết cấu không vững nên chủ công trình sẽ thường chọn móng cọc. Tùy vào từng loại thì sẽ có một mức giá khác nhau.
Hướng dẫn cách tính chi phí xây móng nhà
Cách tính chi phí xây dựng móng nhà về cơ bản sẽ phụ thuộc vào loại móng lựa chọn, kích thước, hình dạng, vật liệu cấu thành, chiều sâu và rộng của móng,… Có 4 loại móng cơ bản bạn có thể tham khảo là móng bè, móng cọc, móng đơn, móng băng. Dưới đây sẽ là cách tính chi phí của các loại móng thông dụng trong xây dựng:
- Móng bằng 1 phương: 50% x diện tích tầng một x đơn giá phần thô
- Móng băng 2 phương: 70% x diện tích tầng một x đơn giá phần thô
- Móng cọc ép tải = (công ép: 250.000/m x số lượng cọc x chiều dài cọc) + (nhân công ép cọc: 20.000.000 đồng) + ( hệ số đài móng: 0,2 x diện tích tầng một x đơn giá phần thô)
- Móng cọc khoan nhồi = (công ép: 450.000/m x số lượng cọc x chiều dài cọc) + ( hệ số đài móng: 0,2 x diện tích tầng một x đơn giá phần thô)
Thời gian làm móng nhà mất bao lâu?
Thông thường, thời gian làm móng nhà sẽ giao động trong khoảng 3-4 tuần vào mùa hè. Mùa đông thì sẽ kéo dài hơn một chút tùy vào tình hình thời tiết và nhiệt độ các ngày thi công.
Tuy nhiên thời gian làm móng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: diện tích móng nền, tiến độ đan sắt thép, xây gạch, kè móng,… tùy theo từng phương pháp làm. Sử dụng phương pháp đơn giản,, diện tích nhỏ, nhiều nhân công, ngày thi công nhiệt độ nắng đủ để móng đông cứng thì thời gian làm sẽ nhanh hơn
Hiện nay, đa phần các công trình đều chuyển sang sử dụng phương pháp làm móng nhà bằng bê tông cốt thép. Vì vậy ngoài thời gian chuẩn bị trước còn cần có thời gian chờ và bảo dưỡng, sửa chữa sau khi đổ để đạt được kết quả tốt nhất trước khi bắt đầu tháo dỡ cốt pha và bắt đầu xây dựng trên nền.
Quy trình làm móng nhà chuẩn
Quy trình làm móng nhà chuẩn là một quy trình đảm bảo được các yêu cầu về mặt kỹ thuật. Giúp móng có kết cấu chắc chắn, vững chãi. Thường sẽ có 4 bước cơ bản cho một quy trình làm móng nhà chuẩn:
Khảo sát địa chất
Muốn biết móng nhà bạn phù hợp với phương pháp làm nào thì bạn phải khảo sát qua nền đất, địa thế nơi bạn dựng công trình.
Qua những phân tích kỹ càng bạn sẽ chọn được phương pháp thi công phù hợp, có thể khoan lỗ, đào giếng, đóng mũi xuyên để thăm dò bên dưới,…
Lựa chọn móng và hồ sơ thiết kế phù hợp
Móng là bộ phận ăn sâu dưới lòng đất, vậy nên việc sửa chữa sau khi làm là rất phức tạp và khó.
Vậy nên hồ sơ thiết kế, bản vẽ phác thảo phải đảm bảo đủ các yếu tố an toàn, có tính bền vững cao và tính toán, lường được trước các vấn đề sẽ phát sinh để có phương án giải quyết tức thì.
Lựa chọn loại móng để làm cũng rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí để làm. Từ việc khảo sát địa chất bên trên bạn có thể nhờ sự tư vấn của các kiến trúc sư có kinh nghiệm để thảo ra một loại phù hợp nhất với công trình.
Vật liệu dùng để thi công móng
Móng là phần chống đỡ cho cả công trình bề nổi phía trên, nên phần lựa chọn vật liệu là không thể sơ sài. Vật liệu thi công móng phải đảm bảo chất lượng cao, độ chịu lực tốt và an toàn.
Một số vật liệu được đa số các công trình sử dụng, bạn có thể tham khảo là: Ván cốt pha phủ phim, giàn giáo Pal, thép Hòa Phát, xi măng PC40,…
Giám sát chặt chẽ quy trình thi công
Việc chọn được một nhà thầu có kinh nghiệm và đội ngũ chuyên môn cao đã là rất tốt rồi. Thế nhưng bạn cũng không được giao phó hẳn công việc cho họ mà không ngó ngàng gì tới đặc biệt là ở phần làm móng này.
Bạn cũng nên hiểu rõ một chút chuyên môn cơ bản để có những cái nhìn, giám sát riêng. Qua đó sẽ đánh giá được chất lượng thi công, tiến độ công việc của chủ thầu và tổng thể công trình.
4 cách làm móng nhà chắc chắn nhất
Cách làm móng đơn
Móng đơn là loại móng đỡ một hoặc một cụm cột đứng cùng nhau có công dụng chịu lực. Nó thường nằm riêng lẻ, có thể là hình chữ nhật, hình vuông hoặc tròn. Phù hợp khi sử dụng để cải tạo nhà nhỏ và cũng là giải pháp phù hợp nhất với chi phí thi công thấp nhất trong các loại móng.
- Chuẩn bị: Ở khâu chuẩn bị, ta cần phác thảo, định hình bản vẽ. Dọn dẹp mặt bằng, chuẩn bị tất cả nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc, sắp xếp nhân công
- Đóng cọc và đào hố móng: Xác định vị trí đóng cọc, dựa vào hồ sơ thiết kế để xác định kích thước và khoảng cách giữa các cọc. Khi đóng cọc phải chú ý độ lún của đất. Có thể cố định thêm bằng cọc tre, cừ tràm, bê tông đúc để thêm chắc chắn. Khi tiến hành đào hố cần chú ý độ sâu và rộng của móng để chống đỡ được cả công trình. Lưu ý hố cần được giữ sạch, để khô ráo. Nếu thi công trong điều kiện thời tiết mưa thì sau khi đào phải hút hết nước và để khô trước khi bước sang công đoạn tiếp theo.
- Đổ bê tông lót móng: Lớp bê tông lót này sẽ có vai trò ngăn sự bốc hơi nước của bê tông phía trên, đồng thời cùng làm phẳng bề mặt hố, giảm thiểu tối đa sự biến dạng của đất do các tác động bên ngoài.
- Đổ bê tông móng: Lưu ý ở bước này cần đặc biệt chú ý làm khô phần móng nếu có nước đọng hoặc làm sạch nếu bẩn. Trộn cát, đá, xi măng và nước với tỷ lệ chuẩn tránh nhão quá hay đặc quá.
- Tháo cốt pha và bảo dưỡng: Sau 1-2 ngày nếu thời tiết thuận lợi và cảm thấy móng đã khô lại thì bạn có thể tiến hành tháo dỡ. Thực hiện công tác bảo dưỡng như: giữ ẩm bằng bao ni lông, phun nước lên bề mặt, phun hợp chất dưỡng để hạn chế bị thoát ẩm, bay hơi và nứt.
Cách làm móng băng
Móng băng thường là dạng dải dài, có thể đứng độc lập hoặc cắt nhau hình chữ thập. Móng băng có ưu điểm là nó lún đều, dễ thi công hơn móng đơn.
- Chuẩn bị: tương tự như làm móng đơn
- Tiến hành đào móng: cần phải dựa vào hồ sơ thiết kế và trục công trình để đào móng theo trục đã được san phẳng đó. Dọn dẹp, bào bằng khu vực móng vừa đào. Cần hút sạch nước để giữ móng khô.
- Gia công cốt thép và đóng cốt pha: cốt thép phải được làm sạch những chỗ hoen gì, không được để bẩn hoặc bám bùn đất. Trước khi đóng cốt tha, ván đóng phải được đặt theo khuôn lưới thép đã định, cột và tim móng được định vị chuẩn.
- Đổ bê tông và bảo dưỡng: tương tự như làm móng đơn
Cách làm móng bè
Là loại móng trải rộng toàn bộ dưới công trình nhằm giảm áp lực lên nền đất. Được dùng nhiều ở nơi có nền đất yếu.
- Chuẩn bị : Tương tự như làm móng đơn
- Tiến hành đào móng: Tương tự như làm móng băng
- Đổ bê tông lót: Tiến hành kiểm tra độ cao và đổ bê tông lót lên phần đất đã đào xong. Nếu có đóng cọc cố định thì cắt đi đầu cọc.
- Gia công cốt thép và đóng cốt pha: Tương tự như làm móng băng
- Đổ bê tông: Khi đổ bê tông vào móng bè sẽ được thực hiện theo các lớp, độ dày khoảng từ 20-30cm. Đổ chồng lên nhau, khi lớp dưới đông cứng lại thì lần lượt đổ lớp tiếp theo.
- Bảo dưỡng: Tương tự như làm móng đơn
Cách làm móng cọc
Móng cọc là loại thiết kế gồm có cọc và đài cọc, giúp truyền trọng tải của công trình xuống sâu hơn dưới đất. Thay vì sử dụng cọc tre, cọc tràm như xưa, hiện nay đã được thay thế bằng cọc bê tông cốt thép. Có thể tải trọng nhiều hơn và tuổi thọ cũng rất dài.
- Chuẩn bị: Tương tự như làm móng đơn
- Đóng cọc và đào hố móng: Tương tự như làm móng đơn
- Đổ bê tông lớt và bê tông móng: Tương tự như làm móng đơn
- Bảo dưỡng: Tương tự như làm móng đơn
Những lưu ý để thi công móng nhà vững chắc
Có một số lưu ý rất cơ bản bạn cần phải nắm vững để không bị quá phụ thuộc vào chủ thầu và chủ động hơn trong những trường hợp cấp thiết là:
- Chọn những địa chỉ thiết kế thi công có nhiều kinh nghiệm, đảm bảo tay nghề cao để có thể tin tưởng hơn
- Khảo sát địa chất thật kỹ lưỡng
- Cân nhắc lựa chọn loại móng phù hợp
- Lựa chọn nguyên vật liệu tốt, đảm bảo chất lượng cao
- Giám sát chặt chẽ quá trình, chất lượng thi công, tránh để chủ thầu tự ý làm ẩu hoặc kéo dài thời gian dẫn đến chậm tiến độ hoặc chất lượng không đảm bảo an toàn
Tóm lại, quy trình làm móng nhà là đặc biệt quan trọng tất cả những khâu xây dựng và hình thành. Móng nhà tốt hay không quyết định đến tuổi thọ và sự vững chãi của công trình và cả sự an toàn của người sử dụng công trình đó. Vậy nên hãy cân nhắc, lưu ý và lựa chọn thật kỹ các loại móng nhà trước khi xây dựng để mang lại sự an toàn cho cả người thi công và người sử dụng.